Sau
3 ngày thi đấu ở Olympic 2012, Trung Quốc tiếp tục là đoàn dẫn đầu Bảng
tổng sắp với 9 HCV, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Mỹ tới 4 HCV.
Đó có
thể là bất ngờ với rất nhiều nhà chuyên môn và người hâm mộ bởi Mỹ từ
lâu luôn được coi là nơi tập trung của những cá nhân ưu tú nhất hành
tinh, và sự thật là qua các kỳ Olympic, người Mỹ luôn thể hiện được sức
mạnh tuyệt đối của họ, đặc biệt là ở hai môn thi cơ bản là điền kinh và
bơi lội.
Có ai biết được đằng sau tấm HCV Olympic này là những gì?
Olympic
Bắc Kinh 2008, có thể coi là một ngoại lệ khi Trung Quốc lần đầu tiên
vươn lên ngôi vị dẫn đầu toàn đoàn. Tuy nhiên, sau đó khi nhìn lại, các
nhà quan sát cho rằng thành công ấy có đóng góp không nhỏ của yếu tố sân
nhà. Không nhiều người dám tin vào một kỳ tích nữa sẽ lại tiếp tục xuất
hiện ở Olympic London.
Nhưng
diễn biến sau 3 ngày đầu tiên đã buộc tất cả phải suy nghĩ lại. Trung
Quốc với gần 1,5 tỷ dân số (gấp 5 lần dân số Mỹ) hiển nhiên là có tiềm
năng cực lớn và vô vàn những sự lựa chọn trước một kỳ Đại hội tầm cỡ thế
giới.
Quá
trình chọn lọc tự nhiên diễn ra cực kỳ khốc liệt ở đất nước đông dân
nhất thế giới và có thể tin rằng chất lượng của hơn 300 thành viên Trung
Quốc tham dự Thế vận hội lần thứ 30 hoàn toàn không hề thua kém những
VĐV người Mỹ, những người luôn được coi là xuất sắc nhất hành tinh.
Cứ nhìn vào chiếc HCV của Shiwen Ye ở 400m nữ hỗn hợp là đủ thấy người Trung Quốc bây giờ “lớn” đến dường nào.
Thành tích của Shiwen Ye trong 50m cuối cùng quả thực là không tưởng
Cô gái
trẻ 16 tuổi trong 50m cuối cùng bơi thậm chí còn nhanh hơn cả Ryan
Lochte, nam VĐV giành HCV ở cùng nội dung trước đó. Rất nhiều nghi vấn
liên quan đến doping đã được đặt ra cho riêng cá nhân Shiwen Ye và cả
cho đoàn thể thao Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu lật lại những gì mà cô gái
vàng này đã trải qua trong quá khứ, hẳn mọi người sẽ có một cái nhìn
khác.Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nước Trung Quốc đã ra
một mật lệnh, có nội dung đại ý rằng những nhà vô địch trong tương lai
phải được phát hiện và mài dũa ngay từ khi còn nhỏ.
Tư
tưởng ấy đã ngấm xuống đến tận những giáo viên trong các nhà trường, và
bên cạnh việc lên lớp giảng bài cho những cô cậu nhóc tì, họ còn một
nhiệm vụ tối cao khác nữa là phải thu thập và báo cáo về những đứa trẻ
có tư chất khác thường. Sau đó, Chính phủ sẽ sàng lọc lại một lần nữa và
đưa chúng vào 1 trong số 3000 trại huấn luyện trên khắp cả nước.
Bản
thân mẹ của Shiwen Ye từng cho biết, cô con gái nhỏ của bà được phát
hiện tài năng từ rất sớm. Khi Shiwen Ye mới chỉ lên 5 hay 6 tuổi, cô bé
đã cao hơn các bạn đồng trang lứa hẳn một cái đầu. Một vóc dáng có phần
nam tính, với bàn tay và bàn chân rất dài đã đưa cô gái quê ở tỉnh Chiết
Giang đến với nghiệp thể thao khi chưa đầy 7 tuổi.
Những đứa trẻ Trung Quốc bị đưa vào những trại tập luyện từ rất sớm
Một
chương trình đã được lập sẵn để đưa Shiwen Ye trở thành nhà vô địch thế
giới. Gia đình cô được tạo điều kiện để chuyển về thành phố Hàng Châu,
trong một căn phòng chỉ có 2 phòng ngủ. Và dù bản thân bà Qing Dingyi
sau này khi nhớ lại vẫn cho rằng đó chỉ là một cuộc phiêu lưu và rằng
ông bà không có quá nhiều tham vọng đặt vào cô con gái bé nhỏ, thì sự
thật là Shiwen Ye đã chính thức “vào tù” khi cô bước sang tuổi 11.
Như hầu
hết các môn thể thao Olympic khác, VĐV bơi lội buộc phải tham gia vào
một quá trình tập luyện vô cùng khắc nghiệt, mà các nhà quan sát thường
hay nói đùa là đi khổ sai trong những “nhà tù” của thế kỷ 19. Các em
phải tham gia vào những bài tập nhằm phát huy hết khả năng của cơ thể để
hiện thực hóa giấc mơ vàng.
Thay vì
dành thời gian để đọc truyện trinh thám, “tám” cùng bạn bè và thậm chí
là sơn móng chân cho mẹ, Shiwen Ye phải bơi liên tục dưới hồ bơi cho đến
khi nào HLV của cô ra lệnh nghỉ để các nhân viên thay nước, phải lên xà
đơn 20 lần/hiệp (điều mà ngay cả những người trưởng thành cũng không
làm nổi) ở tuổi lên 7.
Cô cũng
được huấn luyện để luôn giữ được vẻ mặt lạnh lùng trước khi thi đấu. 6
năm qua, tất cả những gì mà Shiwen Ye biết chỉ là ký túc xá Spartan với
những bức tường lạnh lẽo, những bài tập khắc nghiệt và HLV Wei Wei.
Tấm HCV ngày hôm nay là kết tinh của rất nhiều giọt nước mắt trong quá khứ
Không
những đổ mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu trên sàn tập, những cô bé
cậu bé Trung Quốc còn được giảng dạy và bắt phải học thuộc lòng một
nhiệm vụ thiêng liêng cho nước nhà mang tên: Đánh bại người Mỹ trên đấu
trường thể thao.
Tuy
nhiên trước các phương tiện thông tin đại chúng, những nhóc tì này không
được phép hé răng một lời về sứ mệnh thiêng liêng mà chúng đang mang
trên vai. Tất cả chỉ là những câu trả lời nhạt nhẽo, được lập trình sẵn
như chính cái dự án mang tầm vóc quốc gia mà chúng đang tham gia.
Thay vì
được phát triển bình thường và hưởng sự chăm sóc trong vòng tay cha mẹ,
Shiwen Ye phải ra ngoài, tự lập từ rất nhỏ. Nhớ lại chuỗi ngày khó khăn
của cô con gái bé bỏng, bà Qing Dingyi chỉ biết cười chua chát: “Dẫu
sao nó cũng được ăn uống đầy đủ hơn ở nhà”.
Nguồn: VTCNews